LỜI NGỎ

Thiên Hồi Ký về "Những Người Tù Cuối Cùng" nhằm nói lên tinh thần bất khuất, sức chịu đựng phi thường cùng lòng dũng cảm và sự tương thân tương ái của những quân dân cán chính VNCH đã bị giam giữ, lưu đầy trong các trại gọi là "Tập Trung Cải Tạo" của Cộng Sản sau khi miền Nam sụp đổ vào ngày 30-4-1975.

Thiên Hồi Ký cũng để nêu lên những sự diệu kỳ và linh thiêng của Ơn Trên, của Trời Phật của Mẹ Việt Nam đã che chở cho những người tù....trong nhà tù CS.

Đọc xong thiên Hồi Ký này, chúng ta sẽ thấy những sự tuyên truyền xuyên tạc của Cộng sản nhắm vào chế độ VNCH đã từ từ tan rã như bọt nước; và những sự trả thù tàn bạo của Cộng Sản dành cho những người tù chế độ cũ đã không thành công như ý chúng muốn và thế cờ đã được lật ngược như thế nào.
PHẦN VIII: Tấm Lòng Người Vợ

Phụ nữ Á Đông, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam nói chung, so với những phụ nữ khác tại Á Châu, Âu châu, hay trên thế giới thì không những đẹp hơn về vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt thanh tú, mà còn hơn hẳn về phương diện đức hạnh tức là cái đẹp ẩn tàng bên trong và cũng vựơt xa hơn về tình thương yêu vô bến bờ dành cho chồng con mình.

Cái đẹp này đã không mất đi mà còn thể hiện đậm nét hơn và tô đẹp hơn hình ảnh của người phụ nữ trong vai trò người vợ dù bao nhiêu cuộc chiến điêu tàn và thảm khốc đã diễn ra trên quê hương chúng ta.

Sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) thì xã hội đã bị đảo lộn, trật tự không còn, căn bản đạo đức bị những người Cộng Sản làm băng hoại và phẩm giá con người, nhất là người phụ nữ, đang bị hủy diệt.

Trong khi chồng con bị giam giữ trong các trại tù mọc lên khắp nước thì một lần nữa, người phụ nữ, người vợ trong gia đình đã phải gánh vác trách nhiệm nặng nề là nuôi con cái và nuôi cả người chồng còn trong vòng tù tội và đọa đầy.

Các chị đã phải hứng chịu bao phũ phàng và kỳ thị mà kẻ chiến thắng đã phủ lên gia đình họ như là một hình thức trừng phạt.

Con cái thì không được tiếp tục con đường học vấn lên đại học dù là các cháu học rất giỏi và khi đi tìm việc làm thì bị đẩy ra vì lý lịch của người cha, nhưng các chị vẫn vững bước trên con đường mình đi để kiếm cách mưu sinh nuôi con cái trong lúc người chồng đã ra đi mà không biết ngày nào có thể trở lại.

Đa số các chị trước năm 1975 đều là nội trợ, chân yếu tay mềm sống vào đồng lương ba cọc ba đồng của chồng, nay phải đương đầu với bao khó khăn trong cuộc sống đảo điên của chế độ XHCN và còn phải chắt chiu dành dụm từng đồng một để thăm nuôi và tiếp tế cho chồng mình trong tù. Qủa là một cơn ác mộng dài.

Người chồng trong tù đã phải chịu đựng những sự trả thù tàn bạo của kẻ chiến thắng trên thân hình còm cõi của họ, nhưng người vợ ở nhà cũng không được yên thân với bao nhiêu là hạch sách nhiễu nhương bởi phường khóm, bị đuổi nhà và đầy đi vùng kinh tế mới, bị đánh tư sản, bị công an địa phương rình rập ngày đêm để tìm cách gây khó khăn và hãm hại.

Thế rồi khi được thư của người chồng báo tin là trại giam bắt đầu cho thăm nuôi thì người vợ vừa mừng vừa lo.
Mừng vì sau bốn năm trường bặt tin, bây giờ sẽ có cơ hội được gập mặt người chồng yêu thương nhưng lại lo lắng vì tìm đâu ra một số tiền lớn để mua vé xe lửa và chi phí trong chuyến đi ba ngày trời theo con tầu Thống Nhất ra tận ngoài Bắc mà thăm nuôi ? Chưa kể những trở ngại mà phường khóm và công an địa phương cố tình gây ra về giấy tờ thủ tục rườm rà để cản trở việc thăm nom đó với mục đích làm tiền một cách trắng trợn.

Chị Lãm là một trong những người vợ đang trong tâm trạng ấy.

Bốn năm qua, chị sống trong tình trạng khắc khoải lo âu vì không biết họ giam giữ chồng mình ở đâu và anh ấy còn sống hay đã chết?

Bây giờ được thư của anh Lãm thì chị bàng hoàng cả người vì không ngờ họ đã đầy ải anh ra tận ngoài Bắc trong khi ra đi thì anh có đem theo một cái áo ấm nào đâu?

Rồi không biết làm sao anh chịu nổi cái lạnh khủng khiếp của mùa Đông băng giá ngoài đó trong tình trạng thiếu ăn thiếu mặc?

Cầm lá thư của chồng trong tay mà hai hàng nước mắt thương chồng của chị lăn dài trên hai gò má xanh xao và nhỏ xuống thấm ướt cả lá thư.

Hai đứa con mới hơn mười tuổi nhìn chị hỏi có thư của Ba hả Mẹ làm chị lại càng đau xót, chị ôm hai đứa con và cả ba mẹ con đều ôm nhau khóc cho vơi đi bao nỗi tủi nhục từ ngày mất nước và cho vơi đi bao niềm thương nhớ chất chứa bấy lâu trong lòng.

Chị đâu có thể nào kể cho hai con nghe vì chúng còn nhỏ quá cũng không hiểu được rằng ngày ba nó ra đi để bước chân vào con đường tù đầy trong trại tập trung "cải tạo", thì ba nó đã mang theo cả bao nhiêu thương nhớ và cả nửa phần hồn của mẹ rồi. Thời gian sau, mẹ trở nên xanh xao qua bao nhiêu cuộc biển dâu của cái xã hội mới này, nhưng một phần cũng vì trằn trọc hằng đêm thương cho người chồng hiền hậu không biết có sống nổi hay không trong cái hoả ngục trần gian ấy.

Thế rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi và công việc mỗi ngày của chị là phải đi giao hàng những đồ nan tre rổ rá thúng mủng cồng kềnh được máng vào và cột trên chiếc xe đạp đã mòn cả đôi lốp để kiếm từng đồng nuôi hai đứa con tại Sàigòn.

Nhiều khi các hàng tiểu thủ công nghệ bằng nan tre này hầu như muốn che khuất luôn cả con đường trước mặt và che mất luôn cả con người của chị, nhưng chị vẫn kiên nhẫn leo lên chiếc xe đạp cũ kỹ và nắm vững tay lái để giao từng chuyến hàng, từng chuyến hàng một để qua ngày đoạn tháng và nhất định không đầu hàng số phận nghiệt ngã đã phủ xuống gia đình của chị cũng như của hàng trăm ngàn gia đình viên chức sỹ quan chế độ cũ sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản tháng Tư năm 1975.

Anh Hoàng Lãm là một đại úy trong QLVNCH và được biệt phái sang Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo thuộc Phủ Tổng Thống, cho nên anh cũng như các anh em tù nhân chính trị khác trong ngành tình báo, an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt, đều bị cho vào danh sách các thành phần nguy hiểm cho chế độ và bị tập trung hết đưa ra Bắc để qua con đường lao động mà "cải tạo bản thân để trở thành người công dân tốt".

Bốn năm tập trung lao động trong một thứ xã hội phát triển ngược chiều, đưa con người ta trở lại thời kỳ sơ khai đồ đá như chế độ Cộng Sản tại miền Bắc đã làm anh kiệt sức nhưng tinh thần anh thì vẫn vững vàng.

Khi đặt bút viết lá thư đầu tiên sau bốn năm xa cách về cho người vợ yêu dấu, anh cũng trong tâm trạng vừa mừng vừa lo và không khỏi đắn đo vì anh biết bên ngoài người dân trong đó có vợ anh cũng đang chật vật gian khổ từng ngày để kiếm sống và đề sinh tồn trong một cái xã hội mà nó cũng chỉ là một nhà tù rộng lớn hơn mà thôi.
Chị Lãm cũng chỉ là một trong hàng trăm ngàn người vợ của tù "cải tạo", những người vợ chịu đựng bền bỉ bao đắng cay vùi dập sau khi Cộng Sản  xâm chiếm miền Nam, nhưng sao tôi thấy ở chị một cái gì rất là đặc biệt.
Dù sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và vật lộn với đời sống hàng ngày nhưng lúc nào chị cũng tỏ ra lạc quan, ít nhất cũng là trong thời gian lúc thăm gập người chồng và gập những bạn của chồng khi họ đang lao động hay trong khu thăm nuôi, và không bao giờ chị hé môi cho chồng mình biết về những gì bên ngoài để người chồng bớt phần lo lắng cho vợ con.

Những khi mà chị không thể ra thăm anh Lãm được thì chị gửi các bưu kiện để anh có thêm thức ăn và thuốc men hầu giữ gìn sức khỏe chờ ngày đoàn tụ.

Sau đó các chị liên lạc được với nhau và thành lập như một cái hội của các người vợ có chồng đi "cải tạo" để giúp đỡ nhau, thông báo cho nhau hay cùng nhau đi thăm chồng hoặc đem dùm các thùng hàng thăm nuôi nếu có chị nào không đi được chuyến đó ngõ hầu các người chồng trong tù không bị thiếu thốn về thực phẩm và thuốc men.

Nhờ có chị và các chị khác thay phiên nhau đi thăm nuôi chồng và tải đồ tiếp tế cho các bạn của chồng mà chúng tôi có được thêm thức ăn khô và thuốc men thường xuyên hơn.

Ngoài ra việc đến thăm chồng trong trại giam, các chị còn đem những tin vui về việc phái đoàn Hoa Kỳ thương thuyết với Hà Nội để sớm trả tự do cho những tù nhân chính trị và nhờ đó mà tinh thần các người tù được lên cao và sức khỏe cũng khả quan hơn.

Mỗi lần nghe tin chị đến thăm là hầu như cả khu giam bên tù chính trị đều vui mừng vì chị thường đem theo vài chục thùng hay giỏ quà tiếp tế cho hàng hai ba chục người bạn của chồng mình nữa.

Chúng tôi vui vì vừa đỡ được một buổi lao động cuốc đất ngoài nắng,  vừa được ra khu thăm nuôi gập chị, mà lại được biết thêm tin tức về gia đình của mình và những gì chúng tôi cần nhắn nhủ lại gia đình thì chị đều chuyển về đầy đủ.

Chỉ nghĩ đến cảnh chị đã vất vả khuân bao nhiêu là thùng đồ bao nhiêu là giỏ quà từ Sàigòn lên tầu hỏa và phải canh giữ chúng ba ngày đêm trên tầu sợ mất cắp, rồi lại kiểm soát từng thùng từng giỏ một để khuân chúng xuống tầu và thuê xe chở vào đến trại mất bao nhiêu công sức chúng tôi không khỏi xúc động và cám ơn chị nhưng lúc nào chị Lãm cũng xua tay và nở một nụ cười thật tươi.

Từ khi chị Lãm bắt được lá thư của chồng gửi về thì chị cứ như con thoi đi lên xuống từ Nam ra Bắc thăm nuôi anh ròng rã suốt 12 năm trời không biết mệt mỏi theo các chuyến xe lửa từ Nam ra Bắc và cho đến khi anh được chuyển vào Nam năm 1988 thì chị lại cho hai con đến thăm anh tại trại Hàm Tân Z-30 thường xuyên hơn nữa.
Nhiều lúc tôi cũng rất phục chị Lãm và những người vợ có chồng đi tù như chị vì ở nhà chị đã phải đóng vai người Mẹ và cả vai người cha bươn chải ra ngoài kiếm tiền nuôi con và nuôi chồng nữa trong một xã hội bị cai trị bởi những con người Cộng Sản vô nhân tính đang tìm cách trù dập những gia đình có thân nhân theo chế độ cũ.
Tôi tin rằng Trời Phật đã nhủ lòng thương xót mà độ trì và che chở cho các chị để được mạnh khỏe và bôn ba được trong cái xã hội mới đầy hận thù ấy mà nuôi chồng nuôi con mình.

Tại trại Ba Sao, Nam Hà ở ngoài Bắc cũng như trại Hàm Tân trong Nam, không những tên của chị Lãm trở thành quen thuộc với chúng tôi mà tên của các chị Trần Q. Lựu, chị Trương V. Thụy, chị Trần T. San, chị Lê V. Hoan, chị Nguyễn H. Trân, chị Huỳnh T. Nhơn, v.v., cũng không còn xa lạ với chúng tôi trong trại vì các chị không những thay phiên nhau đi thăm nuôi chồng mình mà còn tải hàng cho các gia đình bạn chồng nữa.

Các chị cũng liên lạc thường xuyên với Mẹ và các em tôi trong những lần thăm nuôi để cùng hỗ trợ nhau và nối kết với nhau trong một tấm chân tình thật là hiếm có trong khi mà các giá trị đạo đức và nền tảng gia đình của người Việt Nam từ nghìn xưa đang bị những “con người mới” và các đảng viên của xã hội chủ nghĩa này chà đạp và chối bỏ.

Khu thăm nuôi nhờ có các chị và gia đình đến thăm nom thường xuyên nên khởi sắc, như sống lại và đã làm tan biến đi phần nào sự u ám nặng nề của trại giam.

Sau một thời gian tiếp xúc, các cán bộ phụ trách khu vực này cũng dần dần tỏ ra nhiều thiện cảm với những gia đình tù nhân chính trị và tỏ vẻ cảm động trước tình nghĩa vợ chồng bền chặt và gắn bó của những gia đình tù nhân chính trị từ trong Nam chuyển ra Bắc.

Họ cũng rất thành thật nói rằng so với phụ nữ trong Nam thì đàn bà ngoài Bắc ngày nay không thể sánh bằng được, chưa nói đến chồng vào tù một thời gian thì đã  bỏ đi lấy chồng khác chứ chẳng chờ đợi năm tháng dài đằng đẵng như các chị trong Nam đâu.

Trong suốt 12 năm chị Lãm đi thăm anh từ ngoài Bắc vào đến trại giam trong miền Nam, thông thường thì cứ khoảng ba tháng là chị lại vào trại thăm anh một lần hay gửi quà qua bưu điện, qua xe đò hay qua các chị bạn và bao giờ cũng kèm một lá thư thăm hỏi anh.

Bẵng đi một thời gian cả sáu tháng, chúng tôi không thấy chị đến thăm anh tại Hàm Tân và cứ ngỡ là chị đã vượt biên?  Anh cũng thao thức không yên cho đến một hôm chị lại xuất hiện nhưng gầy ốm hơn tuy miệng lúc nào cũng tươi cười khi gập anh em chúng tôi.

Tối hôm đó, ngồi uống trà và hàn huyên với anh Lãm thì tôi mới hay hung tin là chị Lãm đã bị chứng bệnh nan y là ung thư bao tử và đang chờ mổ và điều trị. Một điều may mắn là bác sỹ phẫu thuật lại là một bác sỹ quân y ngày trước của VNCH cho nên khi biết tình cảnh của chị thì ông hứa sẽ hết sức giúp đỡ.

Tôi thấy hai mắt anh đỏ hoe và anh thẫn thờ như người mất hồn và chỉ biết an ủi anh là có bác sỹ giỏi thì không sao đâu mà thôi, rồi nín lặng vì ai cũng đang theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.

Tôi chợt nhớ đến bài hát “Mầu Tím Hoa Sim”: “Sao không chết người trai khói lửa mà chết người em nhỏ hậu phương?” mà thấy ông Trời sao bất công quá.

Chị đã vượt qua không biết bao nhiêu là khó khăn gian nan để đeo đuổi không mỏi mệt việc thăm nuôi anh trong 12 năm ròng rã từ năm một chin bẩy chín đến một chín chín mốt để anh có sức khỏe và sống còn trong tù với một ước vọng chính đáng duy nhất là vợ chồng sẽ sớm có ngày đoàn tụ. Nhưng khi mà trái cây sắp chín và ngày đoàn tụ gần kề thì chị lại ngã bệnh. Quả thật chúng tôi không bao giờ ngờ được đó là sự thực.

Khi gia đình báo tin qua khu thăm nuôi là chị vừa mổ xong và đang nằm trong bệnh viện Sàigòn thì một sự kiện lạ lùng xẩy ra lần đầu tiên và duy nhất trong tù. Đó là tay cán bộ phụ trách khu thăm nuôi đã đề nghị với trại, lúc đó Thiếu Tá Nhu là một trưởng trại có đầu óc rất cấp tiến, để cho anh Lãm được đặc biệt về Sàigòn một ngày để thăm chị và đề nghị đã được chấp thuận.

Anh về thăm chị trong ngày rồi lại trở vào trại nhưng rất may mắn là chỉ vài tháng sau thì anh có tên trong đợt thả sau mười sáu năm bị giam giữ trong các trại tập trung. Anh là một trong số hơn một trăm người tù cuối cùng tại trại hàm Tân Z-30D.

Khi tôi được thả về một năm sau đó, tôi lại thăm gia đình anh chị và vẫn thấy tinh thần lạc quan ở con người đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhất của thế kỷ. Chị vẫn tươi cười dù là gầy ốm nhiều hơn trước.

Khi về thì anh làm thủ tục cho gia đình đi theo chương trình H.O và qua định cư tại Los Angeles, California một năm sau khi ra tù.

Sau khi cắt bao tử tại Sàigòn, chị Lãm lúc qua Cali đã được các bác sỹ Mỹ tận tâm chữa trị bằng Chemotherapy. Tôi đến thăm anh chị trong căn phòng apartment trên Los Angeles và không ngăn đựoc niềm xúc động vì sau vài năm chữa trị chị chỉ còn như bộ xương với làn da trắng trước kia bây giờ là xám đen vì hóa chất.

Vài năm sau khi qua được miền đất Tự Do thì chị trút hơi thở cuối cùng.

Rất đông bạn bè, nhất là những người đã cùng ở tù với anh Lãm đều đến phúng điếu và đưa chị ra nghĩa trang hoa hồng để an giấc nghìn thu.

Nhìn chiếc quan tài của chị đang hạ dần xuống để lấp đất, tôi chào vĩnh biệt chị lần cuối và nói khẽ với chị rằng chị là một trong những người phụ nữ Việt Nam, một người vợ của bạn mình mà tôi vô cùng mến phục.
Chị không những đã làm tròn bổn phận của một người vợ tù “cải tạo”, không những đã làm cho kẻ thù phải cảm động vì tình nghĩa vợ chồng trong xã hội của miền Nam ngày xưa, mà chị cũng đã làm bao nhiêu công đức giúp đỡ cho các bạn của chồng mình nữa trong suốt hơn một thập niên.

Nhờ có chị mà anh đã phục hồi được sức khỏe, lên tinh thần và đã sống sót sau mười sáu năm tù đầy. Gia đình chị đã được đoàn tụ trên vùng đất Tự Do, hai cháu bây giờ đã khôn lớn và đều có gia đình rồi cho nên chị hãy yên tâm an nghỉ.

Con người ta có sinh thì có tử nhưng con người ta không dễ gì mấy ai làm nổi những nghĩa cử như chị, không mấy ai có được một tấm lòng Bồ Tát như chị.

Vĩnh biệt chị Lãm

Viết xong vào dịp lễ Independent Day 2010 tại miền Nam California